Bánh tráng truyền thống An Ngãi tìm hướng phát triển hiệu quả

(VOV5) - Huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề; giúp bà con xã An Ngãi nâng cao chất lượng sản phẩm bánh tráng, tập trung sản xuất theo mô hình OCOP.

Thời gian qua, các mặt hàng nông sản ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo ra các giá trị đặc trưng. Nhiều sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có nghề làm bánh tráng ở xã An Ngãi, huyện Long Điền. Là sản phẩm truyền thống và được người dân địa phương phát triển qua nhiều thế hệ, nghề bánh tráng An Ngãi đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Bánh tráng truyền thống An Ngãi tìm hướng phát triển hiệu quả - ảnh 1Nghề bánh tráng An Ngãi được người dân địa phương lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ảnh: VOV
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
 
 

Nghề làm bánh tráng ở xã An Ngãi, huyện Long Điền, đã có từ rất lâu. Sau mỗi vụ lúa, người dân không bán hết cho thương lái mà giữ lại một phần để xay bột làm bánh tráng ăn dần. Ban đầu chỉ phục vụ trong gia đình, dần dà nhiều người trong vùng tráng thêm bánh để bán. Ông Trương Văn Hiền, 70 tuổi, ở ấp An Hoà, xã An Ngãi, cho biết gia đình ông có 4 đời làm bánh tráng, nay tới lượt ông truyền nghề cho con gái. Việc làm bánh tráng không tốn nhiều chi phí đầu tư, nguyên liệu làm bột đã có sẵn, chất đốt là rơm rạ và vỏ trấu. Việc tráng bánh bắt đầu từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa, trong vòng vài giờ, 1 người có thể tráng được từ 1.200 - 1.500 bánh, với giá 35.000 đồng (1,4 USD)/100 bánh, bình quân mỗi ngày 1 người kiếm được từ 200.000 – 250.000 đồng (10 USD). Ngày nay nhiều hộ trong vùng dùng bếp điện để tráng bánh thay vì phải đốt lò. Việc xay bột cũng có máy xay nên cũng không mất nhiều thời gian. Ông Hiền chia sẻ: "Nghề bánh tráng đã có từ lâu đời nhưng thu nhập vẫn còn bấp bênh. Chính vì thế, cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho bà con để làng nghề bánh tráng An Ngãi phát triển hơn, vận động bà con thành lập Hợp tác xã (HTX) để sản xuất ổn định, tạo nên thương hiệu hàng hóa. Nhà nước vận động bà con sản xuất theo Chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm nông nghiệp (OCOP) để sản phẩm có thương hiệu trên thị trường, giúp đời sống người dân khá hơn".

Bánh tráng truyền thống An Ngãi tìm hướng phát triển hiệu quả - ảnh 2Không chỉ tăng thu nhập cho người dân, nghề bánh tráng ở An Ngãi còn góp phần bảo tồn nét văn hoá đặc trưng của dân tộc. Ảnh: VOV

Hiện, xã An Ngãi có gần 130 hộ tham gia nghề bánh tráng với khoảng 260 lao động. Cũng như phần lớn các cơ sở ngành nghề truyền thống của địa phương, nghề bánh tráng An Ngãi hoạt động qui mô nhỏ, chủ yếu theo phương thức kinh tế gia đình, vì vậy, huyện Long Điền đã có kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề; giúp bà con xã An Ngãi nâng cao chất lượng sản phẩm bánh tráng, tập trung sản xuất theo mô hình OCOP, từ đó nâng tầm thương hiệu bánh tráng An Ngãi và mở rộng thị trường. Bà Lê Thị Hoàng Oanh, nguyên Chủ tịch UBND xã An Ngãi, nay là Phó Ban Tổ chức huyện ủy Long Điền, cho biết: "Các hộ làm bánh tráng ở An Ngãi chủ yếu cần các trang thiết bị.  Chi cục phát triển nông thôn phối hợp với huyện hỗ trợ bà con chuyển giao công nghệ sản xuất, từ lò truyền thống tráng bánh bằng củi, bằng trấu sang lò điện. Các hộ làm bánh cũng được hỗ trợ cối xay bằng điện, hệ thống liếp phơi bánh".

Trên phạm vi toàn tỉnh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành lập Hợp tác xã sản xuất bánh tráng, tổ chức lại khâu thu mua để ổn định giá cho bà con. Đồng thời hỗ trợ vốn để các hộ làm nghề cải tiến trang thiết bị, như: mua máy xay bột, cải tạo sân phơi, cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo đủ điều kiện sản xuất bánh tráng, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu. Ông Phan Văn Hên, 65 tuổi, ở ấp An Lộc, xã An Ngãi, làm công việc tráng bánh cách đây hơn 40 năm, bày tỏ: "Nhà nước quan tâm, hỗ trợ các hộ làm bánh tráng để giữ gìn, bảo tồn làng nghề truyền thống vừa có điều kiện phát triển kinh tế".

Làng nghề làm bánh tráng An Ngãi đã được công nhận là làng nghề truyền thống đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2013. Thời gian qua, làng An Ngãi đã trở thành điểm đến du lịch,  thu hút khá đông khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm và thử tráng bánh. Sắp tới, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hướng dẫn các huyện, thị, thành phố thống kê các làng nghề truyền thống của địa phương, trong đó có nghề bánh tráng ở An Ngãi, để hoàn thiện thủ tục công nhận là điểm đến du lịch.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác