(VOV5) - Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt và Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có giá trị tinh thần vô giá và sẽ mãi trường tồn với thời gian,
“Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” nằm tại bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên (Sơn La). Đây không chỉ là di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng, mà còn là nơi ghi dấu tình cảm của đồng bào các dân tộc Sơn La và Tây Bắc đối với Đại tướng và quân đội Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Khu rừng ở bản Nhọt nằm ven Quốc lộ 37, có diện tích gần 200 héc ta, nằm giữa 2 dãy núi. Năm 1954, trong chuyến hành quân từ Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đoàn quân giải phóng đã dừng chân, đóng quân tại đây. Từ đó, khu rừng được người dân gọi với tên thân thương "Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
Một góc rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sơn La. Ảnh: VOV |
7 thập kỷ qua, cánh rừng này vẫn bạt ngàn, xanh tươi, như tình cảm yêu mến của đồng bào các dân tộc nơi đây dành cho vị Đại tướng cùng đoàn quân năm ấy. Hiện nay, khu rừng vẫn còn nguyên vẹn những cây chò chỉ đại thụ, cùng với đó là những cây lát, dổi, pơ mu thẳng đứng, cao chót vót.
Ông Lò Văn Linh, Trưởng bản, Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, chia sẻ: "Tôi rất vinh dự được tham gia Tổ quản lý bảo vệ rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền để thế hệ sau tiếp tục quản lý và giữ được rừng mãi mãi. Về phía chúng tôi, mỗi tuần đi tuần rừng 3 lần để bảo vệ rừng được tốt hơn.
Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng ngay tại khu rừng. Ảnh: VOV |
Ghi nhớ dấu tích lịch sử gắn với tên tuổi của Đại tướng, cách đây 16 năm, năm 2008, UBND tỉnh Sơn La đã công nhận khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến năm 2020, tỉnh Sơn La đã giao huyện Phù Yên thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, gắn với phát triển du lịch của Sơn La nói chung, huyện Phù Yên nói riêng, tạo điểm đến trong các tour du lịch về cội nguồn.
Cuối năm 2021, huyện Phù Yên đã hoàn thành dự án nay gồm các hạng mục: Nhà Tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sân đền thờ, sân hành lễ, cầu cảnh quan, cổng tam quan...
Ông Đinh Công Són, ở xã Gia Phù, người có gần 30 năm tham gia Tổ bảo vệ "Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp", nay đảm nhiệm việc quản lý Đền thờ Đại tướng, cho biết dù tuổi đã cao nhưng ông sẽ tiếp tục cùng bà con chăm sóc, quản lý Đền thờ và Khu Di tích để đảm bảo luôn xanh, sạch, đẹp. Điều này cũng là tình cảm mà ông và bà con nơi đây luôn dành cho Đại tướng: "Tôi rất tự hào và luôn tuyên truyền cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh các trường, đoàn viên thanh niên khi đến Đền thờ. Tôi cũng giới thiệu cho các cháu và tuyên truyền lịch sử vẻ vang mà cha ông để lại. Được bảo vệ đền thờ hằng ngày, thay nước, thắp hương là niềm vinh hạnh của bản thân tôi. Tôi thấy rất phấn khởi."
Ngày nay, đến nơi đây, người dân, du khách không chỉ được sống lại không khí hào hùng của Đoàn quân giải phóng tiến lên Điện Biên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào, mà còn được thả hồn vào không gian thiêng liêng, trong lành của Khu Di tích Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bằng tình cảm trân quý nhất, ông Đinh Công Són luôn tận tình chăm sóc để Đền thờ và cảnh quan Khu di tích luôn xanh, sạch, đẹp. Ảnh: VOV |
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, ở huyện Phù Yên (Sơn La), chia sẻ: "Là thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình, cá nhân tôi thấy rất vinh dự và tự hào. Tôi cảm thấy mình cần phải là một tuyên truyền viên tích cực hơn nữa, để có thể lan tỏa những giá trị lịch sử của điểm du lịch đến với du khách trong và ngoài huyện."
Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt và Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có giá trị tinh thần vô giá và sẽ mãi trường tồn với thời gian, cùng với những chiến công hào hùng mà vị Đại tướng và đoàn quân của ông đã giành được 70 năm về trước.