(VOV5) - Cả EU và Trung Quốc đều không mong muốn xung đột thương mại leo thang quy mô lớn vào thời điểm này.
Căng thẳng thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang có dấu hiệu leo thang, khi hai bên liên tiếp mở các cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào các sản phẩm của nhau, làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến thương mại quy mô lớn.
EU sẽ tăng thuế nhập khẩu thêm từ 17,4 – 38,1% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Hôm 17/06, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này bắt đầu tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt lợn nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU). Đây được xem là động thái đáp trả của Trung Quốc đối với các hành động trước đó từ phía EU.
Nguy cơ gia tăng căng thẳng
Quyết định của Bộ Thương mại Trung Quốc được đưa ra 5 ngày sau khi Ủy ban châu Âu (EC) hôm 12/06 thông báo sẽ áp thêm thuế mới lên tới 38% (cộng với 10% hiện nay) đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc với cáo buộc các công ty sản xuất xe điện Trung Quốc nhận trợ cấp lớn từ nhà nước. Mặc dù phía châu Âu đặt thời hạn đến ngày 04/07 mới áp dụng biểu thuế nhập khẩu mới, dao động từ 17,4% đến 38,1%, với xe điện Trung Quốc, đồng thời cho biết sẵn sàng xem xét các khiếu nại có chứng cứ từ phía Trung Quốc, nhưng giới quan sát nhận định việc EU áp thuế với xe điện Trung Quốc là khó tránh.
Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc phản ứng ra sao? Bộ Thương mại Trung Quốc nhiều lần khẳng định nước này sẽ hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích cho các công ty Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 1 năm nay, Trung Quốc cũng đã mở cuộc điều tra nhằm vào rượu brandy của Pháp sau khi EC mở điều tra với xe điện, tấm quang điện và thiết bị y tế của Trung Quốc. Nông nghiệp là lĩnh vực châu Âu đối mặt với nguy cơ bị đáp trả nhiều nhất bởi đây là lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm chính trị với một số nước EU. Ngoài ra, các sản phẩm khác, như: hàng tiêu dùng xa xỉ, rượu vang, chocolat, đồ nội thất cao cấp, ô tô động cơ lớn… của châu Âu cũng có thể rơi vào tầm ngắm. Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc, cảnh báo nếu điều này xảy ra, EU và Trung Quốc, 2 siêu cường thương mại của thế giới, sẽ rơi vào 1 cuộc chiến thương mại quy mô lớn gây thiệt hại cho cả hai bên. Các nhà sản xuất ô tô Đức đặc biệt lo ngại kịch bản này. Simon Schutz, người phát ngôn của Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA), cho biết: “Quan điểm của chúng tôi luôn rõ ràng, đó là ngành công nghiệp ô tô Đức không ủng hộ việc đánh thuế, bởi chúng tôi không tin đây là biện pháp tốt để giải quyết tranh chấp. Việc đánh thuế có thể là khởi đầu cho xung đột thương mại và khi đó các nhà sản xuất hai bên đều thua thiệt. Không bao giờ có việc cùng thắng khi có xung đột thương mại”.
Một người tiêu dùng trước quầy thịt heo tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: AFP
|
Chia sẻ quan điểm này, Paul Triolo, chuyên gia phân tích về Trung Quốc tại tập đoàn Albright Stonebridge (Mỹ), cho rằng cả EU và Trung Quốc đều không mong muốn xung đột thương mại leo thang quy mô lớn vào thời điểm này. Theo Triolo, việc EU quyết định chỉ áp dụng thuế mới với xe điện Trung Quốc tạm thời trong 4 tháng kể từ ngày 04/07, nếu các thương lượng thất bại, cho thấy phía châu Âu cũng muốn giữ đường lùi: “Tôi nghĩ điều nguy hiểm ở đây là việc đáp trả lẫn nhau. Không ai muốn điều đó, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô Đức. Do đó, sẽ có rất nhiều động thái ngăn cản việc leo thang và EC có lẽ sẽ xử lý vấn đề một cách linh hoạt hơn, giống như khi ra quyết định đánh thuế xe điện Trung Quốc”.
Tương lai xe điện châu Âu
Mặc dù đa số giới phân tích nhận định cả EU lẫn Trung Quốc đều không muốn xảy ra cuộc chiến thương mại, nhưng việc EC tăng thuế với xe điện sản xuất tại Trung Quốc cũng sẽ gây ra những tác động lớn. Tại châu Âu, việc phát triển xe điện là 1 trong những ưu tiên mang tính chiến lược trong Hiệp ước Xanh của EU bởi theo kế hoạch, từ năm 2035 EU sẽ cấm toàn bộ các xe ô tô chạy bằng động cơ đốt trong. Vì thế, khi mức thuế đánh vào xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc tăng, mức giá mà người tiêu dùng châu Âu phải trả để mua xe điện cũng cao hơn, từ đó làm chậm quá trình xe điện thay thế xe dùng nhiên liệu hóa thạch tại châu Âu, ảnh hưởng đến mục tiêu chiến lược cao nhất của EU là trung hòa carbon vào năm 2050. Vì thế, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường tại châu Âu đã hoài nghi về tác động của quyết định này đến việc thực hiện các mục tiêu môi trường, chống biến đổi khí hậu khác của EU.
Về phía cạnh kinh tế, cũng có những hoài nghi. Trong thông cáo đưa ra tuần trước, Volkswagen, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, cho rằng quyết định của EC nâng thuế đánh vào xe điện nhập khẩu Trung Quốc là hành động ủng hộ xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập. Tập đoàn này cũng nhận định các tác động tiêu cực của quyết định này lớn hơn nhiều lợi ích mà châu Âu thu lại. Đáng nói hơn, theo Joe Mazur, chuyên gia phân tích của tập đoàn Trivium China, châu Âu cũng khó có thể hy vọng dùng hàng rào thuế quan để chặn làn sóng xâm nhập của xe điện Trung Quốc: “Các mức thuế mà EU dự định áp với xe điện Trung Quốc nằm trong khoảng đã được dự đoán. Do đó, mặc dù sẽ có tác động nhưng điều này hoàn toàn không phải là sự chấm hết với xe điện Trung Quốc tại châu Âu. Trong vài năm qua, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã đưa ra được các mức giá rất cạnh tranh nên khi có mức thuế mới, có thể họ sẽ phải cắt bớt biên lợi nhuận hoặc tăng giá với người tiêu dùng, hoặc cả hai”.
Theo tính toán của tập đoàn nghiên cứu và phân tích kinh tế Rhodium, 5/6 mẫu xe của BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, vẫn có lãi tại châu Âu ngay cả với mức thuế 30%, trong khi mẫu xe Model 3 của hãng Tesla (Mỹ) sản xuất tại Trung Quốc sẽ chịu lỗ với mức thuế mới của EU.