(VOV5) - Mỗi năm, Nhà nước dành hơn 10 nghìn tỷ đồng (hơn 420 triệu USD) để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, ...
Bên ngoài Tòa phúc thẩm Paris. Ảnh: Anh Tuấn/VOV-Paris |
Ngày 22/8 tới,Tòa phúc thẩm Paris sẽ đưa ra quyết định về vụ kiện của bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, với 14 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, vì đã sản xuất và buôn bán thuốc diệt cỏ có chứa dioxin (chất độc da cam) cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tính chính nghĩa của vụ kiện đã nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Đồng thời cũng tiếp nối những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chăm sóc hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Trong lịch sử loài người, chưa có cuộc chiến tranh hoá học nào có thể so sánh về quy mô và thời gian với cuộc chiến tranh hoá học mà quân đội Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam (1961 - 1971). Nó đã để lại hậu quả nặng nề cho hàng triệu người Việt Nam, hủy hoại môi trường sống, mà phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền của mới có thể khắc phục được.
Bà Trần Tố Nga. Ảnh: Anh Tuấn/VOV-Paris |
Đấu tranh để bảo vệ quyền con người
Sáng 7/5, Tòa phúc thẩm Paris mở phiên điều trần cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Hơn 200 trăm người, gồm Việt kiều và người Pháp đã tham gia cuộc vận động ủng hộ bà Trần Tố Nga trước khi diễn ra phiên điều trần. Sự hiện diện của một số nghị sĩ và báo chí Pháp cũng cho thấy dư luận ở Pháp rất quan tâm và ủng hộ bà Nga trong vụ kiện này. Bà Sandrine Rousseau, nghị sĩ đảng Xanh (Pháp) nhấn mạnh: "Với cương vị là nhà môi trường, tôi hoàn toàn ủng hộ Trần Tố Nga và hy vọng bà thắng kiện. Tôi sẽ sử dụng tất cả sức ảnh hưởng của mình để giúp đỡ Nga chiến thắng, một chiến thắng không chỉ về mặt công lý mà còn về mặt chính trị, có được sự công nhận, đền bù và khắc phục".
Là người trẻ tuổi, anh Tom Tallieu nhận định sự ủng hộ dành cho bà Trần Tố Nga là cần thiết, khi những hậu quả của chất độc da cam vẫn còn ảnh hưởng đến hàng triệu người: "Tôi vận động bạn bè của mình bởi họ không biết những gì đã và đang xảy ra ở Việt Nam, họ có nghe nói về bom Napalm nhưng hầu như không biết gì về chất độc da cam. Ngày hôm nay, vẫn còn nhiều người bị ung thư và dị dạng do chất độc đó. Với một vụ kiện như thế này, chúng ta có thể thay đổi cách các công ty hóa chất vận hành và điều đó là cần thiết".
Bà Sandrine Rousseau, Nghị sĩ đảng Xanh. Ảnh: Anh Tuấn/VOV-Paris |
Cuộc đấu tranh đòi công lý của bà Trần Tố Nga nói riêng và các cuộc đấu tranh trước đó của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với các công ty hóa chất Mỹ nói chung phù hợp với xu thế chung hiện nay của nhân loại là đấu tranh bảo vệ quyền con người: quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong quyền của con người, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin bị tước đoạt những yếu tố cơ bản đó. Rất nhiều người Việt Nam bị nhiễm chất độc dacam/dioxin đã tàn tật vì thương tổn thần kinh, bại liệt, mù loà… Rất nhiều con, cháu của họ đã trở thành người khuyết tật ngay từ khi mới sinh ra, do di chứng chất độc dacam/dioxin từ cha mẹ, ông bà. Trong khi chính những người đã gieo rắc thảm hoạ chất độc dacam/dioxin lại luôn tự nhận đi tiên phong trong việc bảo vệ và tôn trọng nhân quyền.
Nhất quán chính sách chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc dacam/dioxin
Anh Tom Tallieu nhận định sự ủng hộ dành cho bà Trần Tố Nga là cần thiết. Ảnh: Anh Tuấn/VOV-Paris |
Từ hàng chục năm nay, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có các chính sách đặc biệt nhằm xoa dịu nỗi đau đối với các nạn nhân chất độc dacam/dioxin. Mỗi năm, Nhà nước dành hơn 10 nghìn tỷ đồng (hơn 420 triệu USD) để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc dacam/dioxin. Hơn 320 nghìn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình nạn nhân chất độc dacam/dioxin, được hưởng bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí. 12 Làng Hòa bình, Làng Hữu nghị, nhiều trung tâm nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng của chất độc dacam/dioxin.
Cách đây 20 năm, ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin Việt Nam cũng được thành lập với chức năng bảo vệ quyền lợi các nạn nhân và là đại diện pháp lý cho nạn nhân trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước.
Đấu tranh đòi công lý và đạo lý cho nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam cũng chính là đấu tranh để bảo vệ những quyền lợi cơ bản của con người. Dù còn phải trải qua khó khăn, phức tạp, nhưng những nỗ lực ấy vẫn sẽ không ngơi nghỉ.