(VOV5) - Bên cạnh các ảnh hưởng lâu dài đến nhiều chính sách quan trọng của EU, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay còn tác động lớn đến chính trường nhiều quốc gia thành viên EU.
Diễn ra từ 06-09/06, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay ghi nhận sự thắng thế của các đảng cánh hữu, trong đó có sự thăng tiến mạnh mẽ của các đảng cực hữu. Kết quả này có thể tác động lớn đến nhiều chính sách quan trọng của Liên minh châu Âu, đồng thời thay đổi cán cân quyền lực tại nhiều quốc gia thành viên.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự bỏ phiếu Nghị viện châu Âu ngày 9/6 - Ảnh: AFP |
Được đánh giá là cuộc bầu cử quan trọng nhất đối Liên minh châu Âu (EU) trong 25 năm qua, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ 2024-2029 thu hút hơn 51% trong tổng số 360 triệu cử tri tại 27 quốc gia EU đi bầu, tỷ lệ cao nhất trong vòng 20 năm qua.
Sự thắng thế của các đảng cánh hữu
Kết quả sơ bộ được công bố trong ngày 11/06 cho thấy, với 186 ghế, nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) cánh hữu vẫn là lực lượng chính trị mạnh nhất tại EP khóa tới. Cùng với các nhóm đảng cánh hữu và trung dung khác là Liên minh xã hội và Dân chủ (S&D), Đổi mới châu Âu (RE), tổng cộng các đảng cánh hữu giành 400 trên 720 ghế tại EP, vượt qua đa số cần thiết để tiếp tục giữ vai trò chủ đạo tại EP cũng như nắm trong tay quyền định đoạt vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) khóa tới. Trong khi đó, Nhóm các đảng Xanh, vốn thắng tiến mạnh trong kỳ bầu cử 2019, ghi nhận sự sụt giảm đáng kể khi chỉ giành được 53 ghế, kém 19 ghế so với khóa trước.
Tuy nhiên, dấu ấn đáng chú ý nhất tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay là sự thăng tiến mạnh mẽ của các đảng cực hữu, đặc biệt tại 2 cường quốc đầu tàu của EU là Pháp và Đức. Tại Pháp, đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN), do lãnh đạo trẻ Jordan Bardella dẫn dắt, giành hơn 31% số phiếu, cao hơn 2 lần số phiếu mà đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron giành được (15.1%). Tại Đức, đảng cực hữu “Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức” (AfD) cũng giành được 16% phiếu bầu, đứng thứ 2 và vượt trên cả 3 đảng trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Đức, Olaf Scholz. Tại Áo, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Hà Lan… các đảng có xu hướng cực hữu cũng có sự cải thiện kết quả đáng kể so với kỳ bầu cử 5 năm trước. Mặc dù sự thăng tiến của cánh hữu, đặc biệt là các đảng cực hữu và dân túy, là điều đã được dự báo trước nhưng kết quả cuộc bầu cử năm nay vẫn gây chấn động và cán cân quyền lực mới tại EP có thể tác động lớn đến nhiều chính sách quan trọng của EU.
Chuyên gia Corina Stratulat, thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (EPC), nhận định: “Môi trường sẽ là lĩnh vực dễ bị tổn thương. Ngoài ra, nhìn vào cơ cấu của EP hiện tại, tôi nghĩ các lĩnh vực liên quan đến cải cách thể chế, mở rộng EU, thậm chí ngay cả lĩnh vực quốc phòng, cũng có thể bị ảnh hưởng”.
Nhiều chuyên gia chia sẻ quan điểm này khi cho rằng sự phân cực mạnh mẽ và sự thăng tiến của nhóm đảng cực hữu sẽ buộc phe chiếm đa số (EPP, RE, S&D) phải dựa nhiều hơn vào phe cực hữu để thông qua một số cải cách quan trọng. Armida van Rij, chuyên gia của Chatham House, cho rằng vai trò lớn hơn của các đảng cực hữu sẽ tác động tiêu cực đến chính sách nhập cư của châu Âu, theo hướng buộc EC từ bỏ hoặc trì hoãn một số cải cách vừa thông qua, như: việc kiểm soát an ninh biên giới, cơ chế phân bổ người tị nạn bắt buộc.
Tiếp theo, Hiệp ước Xanh của EU cũng nhiều khả năng bị tác động, khi EP có thể trì hoãn việc thông qua các thỏa thuận quan trọng về khí hậu, nới lỏng nhiều quy định bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, giống như đã làm hồi tháng 4 vừa qua trước làn sóng biểu tình của nông dân khắp châu Âu. Kế hoạch cấm bán các xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong tại châu Âu từ năm 2035 cũng có thể bị hủy bỏ, đồng thời việc đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể sẽ bị lấn át bởi yêu cầu khai thác các loại nhiên liệu giá rẻ hơn, như: dầu khí ngoài khơi hay năng lượng hạt nhân. Về an ninh, quốc phòng, nhiều đảng cực hữu tại châu Âu vốn luôn phản đối việc gia tăng chi tiêu quốc phòng nên điều này có thể cản trở các kế hoạch tham vọng của EU về xây dựng Quỹ quốc phòng chung hay gia tăng sự ủng hộ cho Ukraine.
Cú sốc từ nước Pháp
Bên cạnh các ảnh hưởng lâu dài đến nhiều chính sách quan trọng của EU, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay còn tác động lớn đến chính trường nhiều quốc gia thành viên EU, nổi bật là Pháp. Ngay trong tối 09/06, khi nhận được kết quả về chiến thắng lớn của đảng RN, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã quyết định giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử sớm trong các ngày 30/06 và 07/07. Đây là lần đầu tiên sau 27 năm nước Pháp mới rơi vào tình huống Quốc hội bị giải tán để bầu cử sớm. Giải thích cho quyết định của mình, Tổng thống Macron cho rằng người dân Pháp cần được trao quyền lựa chọn lại, đồng thời tuyên bố ông tin tưởng vào sự sáng suốt của cử tri Pháp nhằm ngăn chặn đảng cực hữu RN nắm quyền. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định Tổng thống Pháp đã chơi một canh bạc rủi ro bởi trong thời điểm hiện nay đảng RN hoàn toàn có cơ hội chiến thắng bầu cử lập pháp tại Pháp.
Bà Anne Muxel, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị, Trường Chính trị Paris (Sciences Po Paris), nhận định: “Quyết định này thực sự mở ra một giai đoạn bất định trong 3 tuần tới khi cử tri Pháp buộc phải đưa ra lựa chọn khác. Quyết định này cũng rất rủi ro bởi nó mở ra khả năng lần đầu tiên phe cực hữu giành quyền điều hành chính phủ”.
Trong trường hợp đảng RN chiến thắng và giành đa số tại Quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử tới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có rất ít lựa chọn ngoài việc trao quyền thành lập chính phủ cho đảng RN, tạo ra tình huống “chung sống chính trị” mới tại Pháp sau 27 năm. Ngoài Pháp, cuộc bầu cử châu Âu cũng tác động lớn đến chính trường một số quốc gia khác của EU. Tại Bỉ, sau thất bại tại bầu cử châu Âu và bầu cử liên bang (tổ chức đồng thời), Thủ tướng Bỉ, Alexander De Croo đã phải tuyên bố từ chức hôm 10/06. Trong khi đó, tại Đức, dù Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố không tổ chức bầu cử sớm nhưng theo các chuyên gia, thất bại của 3 đảng trong liên minh cầm quyền (đảng Dân chủ Xã hội SPD, đảng Xanh, đảng Dân chủ tự do FDP) sẽ tiếp tục làm suy yếu khả năng điều hành của chính phủ liên minh, trong bối cảnh kinh tế Đức vẫn đang gặp nhiều khó khăn.