(VOV5) - Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để mỗi người dân Việt Nam hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”.
Hôm nay (18/4), tức ngày 10/3 theo lịch Mặt Trăng, là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng, cũng là dịp củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc của những người con đất Việt có chung cội nguồn, có chung Quốc Tổ. Tinh thần đoàn kết dân tộc khởi nguồn từ Giỗ Tổ Hùng Vương luôn được phát huy cả trong quá khứ và ở hiện tại, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của đất nước.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một hiện tượng văn hóa có sức lan toả sâu rộng và bền vững trong cộng đồng người Việt, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quy tụ mọi người dân Việt Nam
Không chỉ tại tỉnh Phú Thọ, đền thờ các vua Hùng được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Ước tính, trong cả nước có hơn 1.400 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương. Đền thờ các vua Hùng là địa điểm để người dân thực hành nhiều nghi lễ thờ cúng các vua Hùng.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia. Gần 10 năm nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều đặn tổ chức ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu (bắt đầu từ năm 2015). Sự kiện nhằm tạo dựng một ngày văn hoá chung, kết nối người Việt trên toàn cầu và bạn bè quốc tế, xây dựng cây cầu văn hoá hữu nghị.
Đoàn kết để cùng xây dựng đất nước
Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để mỗi người dân Việt Nam hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của hai chữ “đồng bào”, theo truyền thuyết là cùng sinh ra từ một bọc trăm trứng. Người Việt Nam dù ở đâu cũng đều là thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đó chính là yếu tố để cố kết tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết dân tộc, vấn đề có ý nghĩa chiến lược, xuyên suốt quá trình dựng nước, giữ nước; quá trình đấu tranh cách mạng và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước của dân tộc Việt Nam. Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Liên hiệp người Việt Nam tại châu Âu, cho rằng: “Giỗ tổ Hùng Vương là hoạt động rất có ý nghĩa, đặc biệt là với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Sự kiện luôn luôn nhắc nhớ người Việt có chung một nguồn cội, từ đó chúng ta thể hiện tính đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
Hiện nay, khi đất nước tăng cường hội nhập, có nhiều thời cơ và cũng có nhiều thách thức để đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, thì sự đồng tâm, hiệp lực của đồng bào cả nước, kể cả những người con đất Việt đang sinh sống ở nước ngoài, là yếu tố không thể thiếu. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”.
Do đó, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; phát huy vai trò của các giai tầng xã hội; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam. Các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, phát huy nội lực, vươn lên cùng phát triển. Đảng và Nhà nước cũng tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác tập hợp các tổ chức tôn giáo; có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để Việt kiều về nước đầu tư; tổng kết thực tiễn, xây dựng, triển khai Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày nay, mỗi người dân Việt Nam chung Quốc Tổ, cùng mang dòng máu Lạc Hồng, sẽ tiếp tục tiếp nối truyền thống đoàn kết, đồng lòng xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.