Trong bối cảnh "bội thực" thông tin của những năm đầu thế kỷ XXI, thật khó lòng hình dung ra sự thiếu thốn và bí bách thông tin của những năm hậu Xô Viết.
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ở Nga không chỉ khó khăn về cuộc sống hàng ngày, thiếu thốn từ cân gạo, lạng bơ, hộp sữa, bánh mỳ… mà ngay báo chí cũng trở thành đặc sản.
Ai ở gần, có quan hệ với anh em ở Phòng Chính trị Sứ quán, thỉnh thoảng ghé qua mượn tập báo Nhân dân, Đại đoàn kết, là hai loại báo vẫn chuyển thường xuyên cung cấp cho cơ quan đại diện, ngồi đọc như ăn trả bữa, sau đó lại chuyển cho người khác.
Lúc này chưa có internet, chưa có VTV4, chưa có điện thoại đường dài, nên mọi tin tức, chủ yếu là truyền khẩu. Ở các buổi tiệc tùng gặp mặt, người ta hay nói ở Hà Nội vừa xảy ra vụ này, ở TP. HCM có vụ nọ, giá vàng lên nghe nói cao lắm, giá nhà đất đang tăng chóng mặt… Ai ở trong nước sang, chuyện kể cả tuần vẫn mới, vẫn mang tính thời sự như thường.
Vào giữa năm 1992, tôi được tặng một một chiếc cassette hai cửa nhãn hiệu Hongkong màu đỏ, kèm theo cả chục cuốn băng ca nhạc. Nghe nhạc suốt ngày, nhưng không có cách nào để mở đài Hà Nội. Một hôm, họa sỹ Hoàng Tân Hưng đến chơi, mới hay anh là tín đồ số một của Đài TNVN và chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc.
Anh hướng dẫn cho tôi cách mở chương trình, nhưng vì chiếc đài Hongkong đẹp mã không thể nào bắt sóng được, tôi đành bấm bụng bỏ ra 62 rúp, mua một chiếc VEP cục gạch của Liên Xô. Với chiếc đài này, hàng ngày tôi có thể mở làn sóng điện, và khi nhạc hiệu cất lên, từ chiếc loa 12W vang lên giọng nói: Đây là Tiếng nói Việt Nam, chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, ai ngồi nghe cũng không khỏi nghẹn ngào.
Tôi và anh Hoàng Tân Hưng trở thành người độc quyền về tin tức. Có thể nói, tôi biết vanh vách mọi chuyện xảy ra ở Hà Nội, tình hình trong nước, cập nhật tin thế giới một cách nhanh chóng nhất. Anh Hoàng Tân Hưng có vẻ không ích kỷ về thông tin như tôi, anh mua hàng chục cuốn băng, mỗi chương trình, anh in ra rồi phân phát cho bạn bè xung quanh và những người sống xa thành phố.
Rồi từ những năm đó, tôi cộng tác với chị Thụy Chóng, chị Huyền Yến, rồi sau này nữa là anh Quốc Hưng, những BTV của chương trình, viết bài thường xuyên cho chương trình, phản ánh cuộc sống của cộng đồng người Việt, giúp bà con trong nước và cộng đồng hải ngoại ở các nước khác hiểu thêm về cuộc mưu sinh của người Việt tại Nga.
Có anh em từ Nga về nước, tôi đều giới thiệu họ tiếp xúc với phòng Việt kiều. Sự chu đáo, chân thành của anh chị em ở chương trình Việt kiều làm cho anh em rất xúc động vì sự thông cảm, hiểu biết và sự tận tụy của những người làm chương trình đối với những người con xa xứ.
Cái ngày với một chiếc đài to như nửa chiếc rương mang bên mình để theo dõi tin tức đã trở về dĩ vãng. Thay vào đó là hệ thống internet, đài truyền hình VTV, hàng trăm tờ báo đưa tin kịp thời từng giờ với giao diện rộng lớn. Nhưng với tôi, hình ảnh anh Hoàng Tân Hưng, hình ảnh chiếc radio của thế kỷ trước vẫn là hình ảnh thuở ban đầu đáng trân trọng và sâu nặng nhất. Tôi hình dung ra tình cảm của những người con đất Việt chụm đầu dò sóng để nghe lấy từng lời, như một nhà thơ đã viết:
Đây Tiếng nói Việt Nam, đây Hà Nội
Xa muôn trùng vẫn thầm thì bên tai
Rút lại cách ngăn, đẩy lùi bóng tối
Thắp niềm tin cháy sáng giữa tim người
Từng đoạn, từng lời, từng câu, từng chữ
Từng tiếng đọc sai, từng lỗi nhỏ thông thường
Sao vẫn ấm, ngọt ngào như hơi thở
Đẹp như lòng chung thủy của người thương./.
TS. Nguyễn Huy Hoàng