(VOV5) - Những bức tranh nghệ thuật sống động, đã lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Từ vỏ con điệp tưởng chừng không còn giá trị sử dụng, nhờ sự sáng tạo và khéo léo, thầy giáo Đinh Công Tuyến (Trường Trung học Cơ sở Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) chúng đã tạo thành những bức tranh độc đáo. Những bức tranh nghệ thuật sống động, đã lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Anh Đinh Công Tuyến bên những tác phẩm tranh bột điệp của mình. Ảnh: VOV |
Xã Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên, có nghề khai thác con điệp giấy ở vùng bãi triều với sản lượng đánh bắt lên đến hàng ngàn tấn mỗi năm. Sau khi tách lấy phần thịt, vỏ điệp thường bị bỏ đi gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Trước thực tế đó, thầy Đinh Công Tuyến trăn trở, tìm cách “biến” vỏ điệp giấy thành những tác phẩm nghệ thuật:Tôi tìm hiểu, nghiên cứu rồi bắt tay vào thử nghiệm. Từ năm 2014, tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lúc bắt đầu thì đi mày mò tìm những biện pháp khác nhau, những sản phẩm sai hỏng rất lớn nhưng đổi lại là kinh nghiệm, làm đến đâu sáng tạo đến đấy. Vỏ điệp có ánh xà cừ trong suốt, mình phải đặt lớp nọ lên lớp kia để tạo hiệu ứng xuyên sáng, tạo nên màu sắc, làm sao để sản phẩm có nhiều lớp màu hòa quyện ánh sáng vào nhau, tạo nên những hạt điệp có màu sắc rực rỡ.
Hoạt động của CLB Mỹ thuật về vẽ tranh dân gian Đông Hồ trên chất liệu bột điệp đã tạo sức lan tỏa lớn tới học sinh. Ảnh: VOV |
Ngoài công việc giảng dạy trên lớp, thầy giáo Đinh Công Tuyến còn truyền sự đam mê, sự sáng tạo với bộ môn mỹ thuật tới các em học sinh. Với ý tưởng phóng tác tranh dân gian Đông Hồ trên chất liệu bột điệp, dưới sự hướng dẫn của thầy, các em học sinh tại trường Trung học Cơ sở Sông Khoai đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, góp phần tôn vinh dòng tranh dân gian Việt Nam. Em Bùi Thanh Hiền, thành viên Câu lạc bộ Mỹ thuật trường Trung học Cơ sở Sông Khoai, cho biết:Câu lạc bộ Mỹ thuật tại trường rất ý nghĩa với em, giúp em học được nhiều điều hơn về mỹ thuật, thêm kiến thức về tranh dân gian Đông Hồ, giúp chúng em có nhiều kiến thức hơn về lịch sử văn hóa dân tộc. Những bức tranh được làm trên chất liệu bột đẹp rất đặc biệt, giúp em cảm thấy có thể sáng tạo nhiều thứ hơn, có thể quảng bá tới nhiều người hơn về những bức tranh dân gian đó.
Thầy giáo Phạm Việt Thanh, Phó Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Sông Khoai, đánh giá hoạt động của Câu lạc bộ Mỹ thuật về vẽ tranh dân gian Đông Hồ trên chất liệu bột điệp đã tạo sức lan tỏa lớn tới học sinh, góp phần truyền tải đến các em học sinh thông điệp trong việc gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa dân gian: Các học sinh đều tạo ra những sản phẩm cho riêng mình, đặc biệt là việc sử dụng chất liệu bột điệp để bảo tồn phát huy dòng tranh dân gian Đông Hồ. Đây là việc làm tốt vì mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực nhưng không được quên việc giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh. Hoạt động này góp phần lan tỏa trong giới trẻ về ý thức giữ gìn, bảo tồn dòng tranh dân gian Việt Nam.
Bằng đôi tay khéo léo, thầy Đinh Công Tuyến không chỉ tạo ra sản phẩm mỹ thuật đặc sắc mà những bức tranh bột điệp còn hàm chứa cả hồn của quê hương, chinh phục thị giác của những người yêu nghệ thuật. Các đề tài sáng tác rất đa dạng, từ tranh tĩnh vật, những di tích lịch sử, đề tài về nông thôn, bến cá, mùa màng, làng quê, cây đa, bến nước... nhưng đặc biệt nhất vẫn là những tác phẩm phong cảnh quê hương Quảng Ninh, như: Vịnh Hạ Long, làng chài... đã nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng, góp phần quảng bá cho văn hóa và du lịch của địa phương. Cô giáo Nguyễn Thị Thiền, Trưởng Bộ môn Mỹ thuật Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Người dân Quảng Ninh vẽ tranh Quảng Ninh bằng chất liệu Quảng Ninh đó là điều đáng quý. Chúng tôi định hướng cho học sinh, sinh viên có thể học thầy giáo Đinh Công Tuyến về kỹ năng xử lý bột điệp, bằng những kinh nghiệm, kỹ năng học được, các bạn có thể lan tỏa, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, lấy chính chất liệu trên quê hương để vẽ về quê hương mình.
Sản phẩm tranh bột điệp của thầy giáo Đinh Công Tuyến được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm). Đây là cơ hội để thầy giáo tiếp tục “thổi hồn” vào những bức tranh bột điệp, góp phần quảng bá phong cảnh, hình ảnh con người của vùng đất Quảng Ninh tới đông đảo người dân và du khách gần xa.