(VOV5) - Ngoài đàn T’rưng, đàn K'lông Pút, dân tộc Xơ Đăng còn có đàn nước cũng không kém phần độc đáo.
Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên có kho tàng nhạc cụ phong phú với nhiều loại và chất liệu khác nhau. Cuộc sống của đồng bào gắn liền với núi rừng nên hầu hết nhạc cụ của đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung, dân tộc Xơ Đăng nói riêng, đều được chế tác từ các loại cây trong rừng, nhất là tre, nứa.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum, có nhiều loại nhạc cụ dân tộc, như: đàn T’rưng, đàn K'lông Pút, đàn nước sáo, trống, cồng chiêng, tù và hay ống gõ. Đàn T’rưng và đàn K'lông Pút là 2 nhạc cụ phổ biến nhất của đồng bào. Nguyên liệu chế tác hai nhạc cụ này cùng là từ tre, nứa.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết: "Từ việc lên nương làm rẫy, đồng bào tự tạo ra các loại nhạc cụ này trong đời sống sinh hoạt. Đàn K'lông Pút thường sử dụng cho nữ giới. Họ thường chơi từ 2 đến 3 người. Còn cồng chiêng thường sử dụng cho nam giới. Khi biểu diễn, đồng bào dùng đàn T’rưng, đàn K'lông Pút kết hợp với giàn cồng chiêng và các loại nhạc cụ khác."
Nghệ nhân Y Sinh (phải) dạy cô gái người Xơ Đăng “vỗ” đàn Klông Pút. Ảnh: Thanh Thuận - Báo Biên phòng |
Ống đàn T’rưng như dây đàn của guitar, là bộ phận quan trọng để phát ra âm thanh. Mỗi ống đàn gồm hai phần là ống hơi và thanh cộng hưởng. Sự kết hợp giữa hai phần này tạo nên cao độ chuẩn và âm thanh vang. Đàn gồm các ống nứa được liên kết với nhau bằng những sợi dây nhỏ, bền, chắc. Muốn điều chỉnh âm thanh của từng ống, nghệ nhân làm đàn phải tỉ mỉ gọt giũa phần miệng ống từng chút một, sau đó tự thẩm âm và cảm nhận.
Trong khi đó, đàn K'lông Pút được chế tạo từ ống nứa và tiếng đàn phát ra sau mỗi nhịp vỗ tay vào miệng các ống. Đàn K'lông Pút thường có từ 7 đến 10 ống tùy theo cách chơi của mỗi người. Khi biểu diễn, đàn được đặt trên một phiến đá hoặc gác lên một thân cây khác, và dưới đôi bàn tay uyển chuyển của những người phụ nữ Xơ Đăng, tiếng đàn K'lông Pút thánh thót vang lên, bay bổng khắp núi rừng. Đồng bào tin rằng các ống tre nứa dùng để đánh đàn K'lông Pút có liên quan mật thiết với những ống đựng hạt giống làm nương rẫy.
Họ quan niệm trong những ống đựng hạt giống đó là nơi trú ngụ của hồn lúa. Vì vậy, khi đánh đàn K'lông Pút trên nương rẫy sẽ giúp cho cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, tiếng đàn còn giúp xua đuổi thú dữ và cũng là cách thể hiện tình cảm lứa đôi.
Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh, người dân tộc Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum, cho biết: "Chơi đàn K'lông Pút cần có sự đam mê. Ngày xưa có thể chơi đàn trong mấy ngày. Ví dụ khi lúa tươi tốt khả năng năm nay được mùa là bà con có thể ăn mừng, họ tổ chức lễ hội tại nhà Rông, mang đàn ra đánh, mang chiêng ra gõ. Còn đàn T’rưng người ta đánh 2 tay và có thể đánh theo nhịp chiêng. Du khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay lên xem.
Ngoài đàn T’rưng, đàn K'lông Pút, dân tộc Xơ Đăng còn có đàn nước cũng không kém phần độc đáo. Đàn nước gồm nhiều ống nứa có độ dài ngắn khác nhau, được treo thẳng đứng ở bên bờ suối. Nước suối chảy vào những ống to tạo ra âm thanh trầm còn ống ngắn tạo ra âm thanh cao.
Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh cho biết: "Đàn nước rất hiếm có, khó làm, chỉ những người cao tuổi thì họ biết cách làm đàn nước. Ống nhỏ, ống lớn nước chảy vào tạo ra âm thanh rất hay. Khi lội suối thấy những cây đàn nước tạo ra âm thanh độc đáo, nhớ mãi."
Tại bất kỳ lễ hội, sự kiện chung nào của buôn làng, cứ sau nghi lễ cúng tế là tới phần hội. Lúc này, mọi người cùng ca hát, nhảy múa, rộn ràng tiếng các nhạc cụ dân tộc. Ngành văn hóa tỉnh Kon Tum chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết: "Ngành văn hóa hằng năm thành lập các đoàn nghệ nhân để đi biểu diễn trong ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, các chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đây là dịp để cho các dân tộc thể hiện được bản sắc văn hóa của mình. Qua việc giao lưu văn hóa, họ chính là người truyền lại cho thế hệ trẻ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc."
Hiện, các buôn làng ở tỉnh Kon Tum thành lập nhiều nhóm, đội văn hóa văn nghệ. Vừa biểu diễn nghệ thuật phục vụ bà con, các đội nhóm văn nghệ, các nghệ nhân vừa truyền dạy cách làm, cách chơi các loại nhạc cụ cho thế hệ trẻ, góp phần là gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng.