(VOV5) - Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ triển khai đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế ở Việt Nam. Tại Hội nghị về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế diễn ra tại Hà Nội mới đây (10/06), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Năm 2023, thương mai điện tử của Việt Nam có quy mô khoảng 20,5 tỷ USD và sẽ đạt 30,5 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VOV |
Thay đổi tích cực trong thương mại điện tử
Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Doanh số thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.
Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam, gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop, đã đạt 71,2 nghìn tỉ đồng (khoảng 2,8 tỷ USD), tăng 78,69% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính đã có gần 770 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra. Cùng với sự phát triển về doanh số và sản lượng bán, quý đầu năm cũng ghi nhận chỉ số tích cực, với số lượng nhà bán phát sinh đơn hàng có tốc độ tăng trưởng dương.
Thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Ảnh minh họa (Ảnh tư liệu): TTXVN |
Theo Metric, nền tảng số liệu về thương mại điện tử, đây là mức tăng trưởng tích cực, vượt xa kỳ vọng. Trước đó, theo nhiều dự báo từ cuối 2023, mức tăng trưởng trong toàn năm nay so với năm ngoái chỉ dừng ở mức 35%. Tiếp nối đà tăng của quý I, dự báo trong quý II năm nay, tổng doanh số trên 5 sàn sẽ đạt mức 84,87 nghìn tỉ đồng (hơn 3,3 tỷ USD), tăng hơn 19% so với quý trước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp địa phương cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tổng doanh thu và sản lượng bán của các địa phương đều tăng trưởng trên mức 50%. Điều này cho thấy thương mại điện tử không còn là sân chơi riêng cho các doanh nghiệp tại các đô thị lớn mà đã có xu hướng mở rộng ảnh hưởng sang các tỉnh thành.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số, Bộ Công Thương, cho rằng:
"Thương mại điện tử Việt Nam nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng là một sân chơi khá tiện ích, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới. Chúng ta cần phải đẩy mạnh các hoạt động và tham gia thông qua nền tảng để làm sao đó chúng ta có thêm nhiều mặt hàng nhập khẩu các sản phẩm từ Việt Nam. Thương mại tử xuyên biên giới có thể giúp cho các nhà sản xuất trực tiếp, nhà sản xuất nhỏ lẻ tham gia trực tiếp xuất khẩu."
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử
Những kết quả TMĐT đạt được trong thời gian qua là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định và quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, từ đó, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng, xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Để tiếp tục để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
"Phải đầu tư, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoàn thiện thể chế, tạo ra phong trào, tạo ra xu thế để triển khai thực hiện. Chỉ đạo điều hành và tổ chức triển khai đồng bộ, linh hoạt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; phải đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, thí điểm các mô hình mới trong phát triển TMĐT đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển; phải lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm, để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ TMĐT mang lại; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp."
Về phía Bộ, ngành, thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ triển khai đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục tiêu là liên kết, kết nối các sàn thương mại điện tử địa phương với nhau và với các sàn thương mại điện tử phổ biến tạo nên một môi trường kết nối giao thương đa chiều hiệu quả, rút ngắn khoảng cách vùng miền góp phần hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng, xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang hình thức thương mại điện tử được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.