(VOV5) -Theo các chuyên gia, lí do chính dẫn đến quyết định của Argentina là tân Tổng thống Javier Milei theo đuổi chiến lược kinh tế-chính trị thân Mỹ hơn chính phủ tiền nhiệm.
Từ đầu năm nay, nhóm các nền kinh tế mới nổi – BRICS có thêm 5 quốc gia thành viên mới. Theo các chuyên gia, sự kiện này khẳng định tầm quan trọng ngày càng gia tăng của BRICS trong trật tự kinh tế-chính trị toàn cầu, nhưng việc Argentina mới đây từ chối gia nhập BRICS cho thấy khối này còn đối mặt không ít thách thức.
Theo quyết định được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức tháng 8 năm ngoái ở Nam Phi, từ ngày 1/1 năm nay BRICS, nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, kết nạp thêm 5 quốc gia khác là Ai Cập, Saudi Arabia, Ethiopia, UAE và Iran làm thành viên chính thức.
Tầm vóc mới của BRICS
Thành lập năm 2006 với 5 thành viên, vai trò của BRICS tăng nhanh trong những năm qua. Trước khi mở rộng, BRICS chiếm 40% dân số thế giới, khoảng 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và quy mô kinh tế đã vượt qua nhóm các nền kinh tế phát triển – G7 nếu tính theo sức mua tương đương (PPP). Với việc có thêm 5 thành viên mới từ đầu năm nay, sức mạnh của BRICS tiếp tục gia tăng. Sau khi mở rộng, BRICS sẽ chiếm 45% dân số thế giới (3,5 tỷ người) và khoảng 28% GDP toàn cầu, tương đương 28,5 ngàn tỷ USD.
Quốc kỳ các nước thành viên BRICS. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bên cạnh các số liệu kinh tế đơn thuần, đáng chú ý hơn là tiềm năng của BRICS mở rộng. Trong 5 quốc gia mới gia nhập BRICS, Saudi Arabia, UAE và Iran là các quốc gia xếp trong nhóm đầu thế giới về trữ lượng dầu mỏ. Vì thế, một BRICS mở rộng sẽ bao gồm các quốc gia chiếm tới 80% trữ lượng và 44% sản lượng dầu mỏ thế giới hàng năm, tạo thành một nhóm có quyền lực mang tính quyết định trong lĩnh vực năng lượng. Về mặt địa chính trị, việc BRICS kết nạp các quốc gia có vai trò quan trọng tại Trung Đông (Saudi Arabia, Iran, UAE) và châu Phi (Ai Cập, Ethiopia) cũng sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị của cả khối.
Theo chuyên gia Constantinos Berhutesfa, Giáo sư chính sách công tại Trường Đại học Addis Ababa (Ethiopia), việc mở rộng của BRICS mang lại lợi ích cho rất nhiều bên: “Ethiopia có rất nhiều tiềm năng nên đầu tư từ các nước BRICS sẽ thúc đẩy phát triển tại đây. Ngoài ra, Ethiopia nằm ở vùng Sừng châu Phi, là cửa ngõ tiến vào châu lục nên BRICS mang lại lợi ích cho Ethiopia và ngược lại Ethiopia cũng mang lại lợi ích rất lớn cho BRICS”.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tham vọng của BRICS không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trao đổi thương mại, hợp tác kinh tế nội khối. Trong vài năm qua, lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS, đặc biệt là Tổng thống Brazil, Lula da Silva, Tổng thống Nga, Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình đang nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng một cơ chế thanh toán quốc tế mới không phụ thuộc vào đồng dollar Mỹ (USD), qua đó tạo lập một trật tự kinh tế thế giới mới cân bằng hơn. Khaled El-Shamy, Tổng biên tập Tạp chí “Ai Cập ngày nay” (Egypt Today) nhận định đây chính là một trong những lí do quan trọng thúc đẩy Ai Cập gia nhập BRICS bởi nước này cũng theo đuổi chính sách đa dạng hóa thanh toán quốc tế. Trong khi đó, chuyên gia Irene Mia của Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược (IISS), nhận định BRICS và G20 có thể phối hợp gia tăng ảnh hưởng tại các quốc gia đang phát triển, thông qua hợp tác kinh tế và trợ giúp ứng phó biến đổi khí hậu, từ đó làm suy giảm quyền lực của đồng dollar Mỹ.
Bài học từ sự từ chối của Argentina
Không phủ nhận tầm vóc mới của BRICS sau khi kết nạp thêm thành viên, nhưng các chuyên gia cũng còn một số hoài nghi đối với vị thế thực sự của BRCIS trong tương lai sau khi Argentina từ chối gia nhập khối. Ban đầu, Argentina nằm trong nhóm 6 nước được BRICS mời gia nhập tại Thượng đỉnh khối, diễn ra cuối tháng 8 năm ngoái tại Nam Phi. Tuy nhiên, hôm 31/12 năm ngoái, tân Tổng thống Argentina, Javier Milei đã viết thư từ chối gia nhập BRICS với lí do “chưa phải thời điểm thích hợp”.
Tân Tổng thống Argentina Javier Milei tuyên thệ nhậm chức tại Buenos Aires ngày 10/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vì thế, mặc dù quyết định này của Argentina không ảnh hưởng nhiều đến BRICS về mặt kinh tế nhưng cũng khiến hình ảnh của BRICS, vốn được coi là đối trọng mới nổi với trật tự kinh tế do phương Tây dẫn dắt, bị tác động tiêu cực.
Về phần Argentina, theo chuyên gia kinh tế Eduardo Crespo (Argentina), việc Argentina từ chối gia nhập BRICS có thể khiến nước này chịu các thiệt hại lớn về kinh tế, bởi Trung Quốc và Brazil, hai thành viên BRICS, là các đối tác thương mại, đầu tư lớn hàng đầu của Argentina. Trên thực tế, ngay sau khi Argentina từ chối gia nhập BRICS, phía Trung Quốc cũng đã đóng băng 6,5 tỷ USD trong thỏa thuận hoán đổi đổi tiền tệ (SWAP) với nước này.
Chuyên gia Eduardo Crespo nhận định:“Cho đến lúc này, việc Argentina từ chối gia nhập BRICS phải trả một cái giá khá đắt về mặt thương mại, về hội nhập quốc tế cũng như về tài chính đối ngoại”.
Chuyên gia phân tích chính trị Gunther Maihold, từ trường Đại học Tự do Berlin (Đức), thì cho rằng sự việc Argentina từ chối BRICS vào phút chót sẽ giúp các lãnh đạo BRICS nhận thức rõ hơn các thách thức liên quan đến việc thiết chế hóa quy trình kết nạp thành viên mới, cũng như cân nhắc thận trọng hơn vai trò địa chính trị của BRICS trong tương lai, bởi các nước thành viên mới của BRICS hầu hết đều không muốn phải “chọn phe” trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc.
Theo kế hoạch, BRICS có thể tiếp tục gửi lời mời gia nhập đến một số quốc gia khác, như: Nigeria, Venezuela, Indonesia… tại Hội nghị Thượng đỉnh khối năm nay, dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới tại thành phố Kazan (Nga).