(VOV5) - Lễ hội cầu ngư tại xã Cảnh Dương được tổ chức hằng năm và quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Bình, diễn ra ở làng biển có lịch sử 380 năm hình thành và phát triển.
Sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Ngày 26/2, tại Hà Nội, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì buổi gặp gỡ, động viên, giao nhiệm vụ cho Thiếu tá Lục Thái Hà và Đại úy Vũ Quang Khải đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) và Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (UNISFA). Đây là lần thứ 4, sĩ quan Cảnh sát biển Việt Nam được lựa chọn tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Ngọc Thư/qdndvn |
Tại buổi gặp, Thiếu tướng Lê Quang Đạo yêu cầu Thiếu tá Lục Thái Hà và Đại úy Vũ Quang Khải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội; chấp hành nghiêm kỷ luật, quy định của Liên hợp quốc tại Phái bộ và pháp luật nước sở tại; quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao phó, phát huy truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam tại một địa bàn còn khó khăn như Cộng hòa Trung Phi và khu vực Abyei.
Đại diện cho các sĩ quan chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ, Thiếu tá Lục Thái Hà cho biết đã chuẩn bị tốt mọi mặt, sẵn sàng lên đường tham gia nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đồng thời khẳng định sẽ tích cực học hỏi, nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới, phát huy ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần lan tỏa hình ảnh con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
Việt Nam tham gia diễn tập Hải quân đa phương MILAN 2024
Ngày 27/2, tại vùng biển phía Đông thành phố Visakhapatnam, Ấn Độ, diễn ra lễ bế mạc Diễn tập Hải quân đa phương MILAN năm 2024.
Phát biểu tại đây, Đại tá Đoàn Bảo Anh, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Trưởng đoàn công tác Hải quân Việt Nam, đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức Diễn tập của Hải quân Ấn Độ; tin tưởng rằng thông qua các hoạt động diễn tập lần này, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau cũng như mối quan hệ và hợp tác hữu nghị giữa hải quân các nước sẽ không ngừng phát triển.
Tàu 20 tại khu vực biển thành phố Visakhapatnam, Ấn Độ. Ảnh: Ban tổ chức Diễn tập MILAN 2024 cung cấp |
Trước đó, từ ngày 24 đến 27/2, Tàu 20, Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân Việt Nam cùng hải quân các nước hoàn thành tốt các khoa mục diễn tập trên biển đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong 55 giờ hành trình, với quãng đường hơn 500 hải lý, Tàu 20 tham gia các khoa mục, gồm: đội hình, thông tin liên lạc, cứu người rơi xuống biển, cảnh giới, kiểm tra tàu nghi vấn, tiếp cận, bắn pháo hiệu… Đoàn Hải quân Việt Nam phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng thực hiện đúng các kế hoạch đã đề ra.
Ngư dân Quảng Bình ra khơi mở biển đầu năm
Ngày 24/2 (tức ngày rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn), cán bộ và nhân dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình tổ chức Lễ hội cầu ngư và phát động ra quân đánh bắt hải sản năm 2024. Lễ hội cầu ngư tại xã Cảnh Dương được tổ chức hằng năm và quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Bình, diễn ra ở làng biển có lịch sử 380 năm hình thành và phát triển.
Từ sáng sớm, các chủ tàu thuyền, ngư dân và nhân dân cũng như du khách tập trung về đền thờ Ngư Linh Miếu và am Cầu Ngư phía trước làng biển Cảnh Dương để dâng hương, dâng lễ vật cúng tế Thần Ngư. Ngư dân trong làng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa biển bội thu, ngư dân đánh bắt an toàn. Ngư dân quan niệm cá voi là loài cá nhiều lần trợ giúp tàu thuyền không bị chìm trong gió bão, tục thờ cúng cá voi với tấm lòng thành kính bắt nguồn từ đó.Ông Nguyễn Văn Cường, ở thôn Thượng Giang, xã Cảnh Dương, cho biết: "Ngày lễ hội rất quan trọng, là dịp để ra quân đánh bắt đầu năm. Tất cả tàu thuyền từ đánh bắt vùng lộng đến vùng khơi đều xuất quân ra khơi đánh bắt, cầu mong trời đất, biển cả phù hộ những người dân biển làm ăn thuận lợi."
Sau lễ cầu ngư, ngư dân chuẩn bị ngư cụ sẵn sàng ra khơi chuyến biển đầu năm. Ảnh: Thanh Hiếu/VOV |
Nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương là dâng hương và đọc văn tế Thần Ngư. Một vị cao niên có uy tín nhất làng được cử lên dâng hương và đọc văn tế. Bài văn tế thể hiện sự biết ơn đối với việc che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà đối với ngư dân trong những chuyến đi biển. Sau lễ dâng hương là tiết mục múa hát dân ca và biểu diễn “múa bông chèo cạn”.
Tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên tổ chức lễ hội mở cửa biển tại huyện Cô Tô
Ngày 24/2, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ hội mở cửa biển tại xã Thanh Lân. Đây là lần đầu tiên lễ hội diễn ra tại vùng đảo tiền tiêu Đông Bắc.
Lễ hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, giá trị mà biển mang lại cho con người, từ đó có ý thức và hành động để bảo vệ môi trường biển. Bà Nguyễn Thị Thanh Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Lân, cho biết: "Xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của ngư dân, vì vậy chúng tôi đã đề xuất huyện Cô Tô mở lễ hội Cửa biển. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức vì vậy công tác tổ chức được tiến hành rất nghiêm túc, với mong muốn có thể gìn giữ và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc trong đó có những nét văn hóa truyền đặc trưng của người dân vùng biển."
Huyện đảo Cô Tô lần đầu tiên tổ chức Lễ hội mở cửa biển. Ảnh: Vũ Miền/VOV |
Lễ mở cửa biển mang đậm tín ngưỡng dân gian của ngư dân mở đầu lễ hội là nghi lễ mở cửa biển, lễ nghinh thần, cầu cho quốc thái dân an, cá nặng lưới đầy... được tổ chức tại khu Miếu thờ Ngư ông. Tới dự lễ hội, những người dân xã Thanh Lân, phấn khởi bày tỏ:
"Chúng tôi rất mong mỏi có được lễ hội mở cửa biển. Và năm nay mới mở thì chúng tôi rất háo hức, thấy hân hạnh nhất đảo, người dân đều khuyến khích và tham gia các hoạt động."
"Rất là may mắn tôi lại được chứng kiến lễ hội mở cửa biển lần đầu tiên được tổ chức tại xã Thanh Lân. Tôi thấy rất ý nghĩa, chúc cho du lịch và ngư dân Thanh Lân sẽ có một năm bội thu, trời yên, biển lặng."
Thanh Lân là xã đảo có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh; diện tích 27 km2 với khoảng 1.600 người sinh sống.