Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, thính giả quan tâm tới những ngày lễ của người Việt: 30-4 và 1-5, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Thính giả cũng quan tâm tới một số lĩnh vực đời sống xã hội, văn hóa của Việt Nam.
Nghe âm thanh tại đây:
Chào quý vị, chào các bạn,
Những người Việt ở khắp nơi đang cùng hướng về những ngày kỷ niệm của dân tộc, 30-4 và 01-05, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Không khí của những ngày lễ đang thấy dần trên mỗi ngả đường, những khu vực trung tâm của các thành phố, các huyện thị. Và thính giả ở khắp nơi cũng gửi thư về các chương trình của Ban đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam với nhiều tình cảm và yêu cầu được cung cấp những thông tin về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.
Nhiều thính giả muốn tìm hiểu về các vị vua Hùng của Việt Nam. Chương trình xin thông tin:
Theo Đại Việt sử lược và nhiều tài liệu khác, triều đại Hùng Vương được truyền qua 18 đời, gồm những vị sau: Một là, Kinh Dương Vương. Hai là, Lạc Long Quân. Ba Là Hùng Quốc Vương. Bốn là Hùng Hoa Vương. Năm là, Hùng Hy Vương. Sáu là, Hùng Hồn Vương. Bảy là, Hùng Chiêu Vương. Tám là, Hùng Vỹ Vương. Chín là, Hùng Định Vương. Mười là, Hùng Uy Vương. Mười một là, Hùng Trinh Vương. Mười hai là, Hùng Vũ Vương. Mười ba là, Hùng Việt Vương. Mười bốn là, Hùng Anh Vương. Mười lăm là, Hùng Triệu Vương. Mười sáu là, Hùng Tạo Vương. Mười bảy là, Hùng Nghị Vương và mười tám là, Hùng Duệ Vương.
Hùng Vương là cách gọi dành cho các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt, triều đại được cho là được lập ra hơn 4.000 năm trước. Câu chuyện các vua Hùng không có trong chính sử mà nằm trong các truyền thuyết dân gian của người Việt được kể lại qua nhiều đời. Với người Việt Nam, các vua Hùng đại diện cho tổ tiên, cho truyền thống dựng nước và là niềm tự hào về nền văn minh đậm đà bản sắc riêng suốt nhiều nghìn năm.
Từ tỉnh Aichi, Nhật Bản, thính giả Yoshie Kunihisa hỏi Chính phủ Việt Nam có thường xuyên tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng cho bà con dân tộc thiểu số không?
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, các địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác vận động quần chúng ở vùng có đông đồng bào tôn giáo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; kịp thời thông tin, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho chức sắc, chức việc để thông qua đó tuyên truyền trong quần chúng tín đồ. Nhiều địa phương chủ động biên soạn tài liệu tuyên truyền bằng hai thứ tiếng, để phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào. Tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo hiểu rõ đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự chung trên địa bàn. Các địa phương vùng đồng bào dân tộc, vùng có đạo, dựa vào các vị chức sắc tôn giáo, các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư làm cầu nối tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo được chú trọng, bảo đảm có cơ cấu hài hòa giữa các thành phần dân tộc trong các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Nhiều thính giả quan tâm tới hệ thống giáo dục của Việt Nam. Và đây là những thông tin chúng tôi cung cấp cho các bạn:
Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam bao gồm: giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo; Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông. Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học. Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Thính giả Bunnac, ở Lào, muốn tìm hiểu về tình trạng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2024.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, hết quý I năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỷ đôla Mỹ, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Thị trường Philippines hiện chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Thính giả Kim Sen Sok, Campuchia, muốn nghe giới thiệu về bãi biển Eo Gió, tỉnh Bình Định.
Eo Gió thuộc khu vực 3, thôn Lý Lương, xã đảo Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Là một eo biển xanh, đẹp, hình vòng cung được những rặng núi đá cao uốn cong ôm trọn vào lòng. Không biết từ bao giờ hay xuất phát từ lòng mến mộ cảnh đẹp của các nhiếp ảnh gia và du khách khi đến tham quan tại đây, mà địa danh Eo Gió - đã được “phong tặng” là nơi có cảnh hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam. Cái tên Eo Gió đã được người dân nơi đây đặt từ khá lâu xuất phát từ vị trí địa lý của nó. Nhìn từ xa Eo Gió giống như một cái yên ngựa, nằm giữa hai mỏm núi cao kề bên biển, mặt khác nếu đứng từ trên cao nhìn xuống lại tựa như một cái phễu, vì thế Eo Gió luôn đón gió từ biển thổi vào với sức gió rất mạnh. Từ trên đỉnh Eo Gió, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, toàn bộ quang cảnh xã đảo Nhơn Lý như nằm dưới chân mình. Ngoại trừ mùa biển động, du khách có thể đến tham quan Eo Gió trong quãng thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 9 âm lịch. Đây là thời điểm biển lặng, kín gió, mặt nước êm đềm, trong xanh rất thích hợp cho những chuyến dã ngoại, lặn ngắm san hô và chinh phục đỉnh Eo Gió...