(VOV5) - Phát triển con người là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua và điều này đã đem lại những kết quả tích cực.
Báo cáo Phát triển con người toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố mới đây (13/3, giờ New York, Mỹ), cho thấy Việt Nam là quốc gia có mức phát triển con người cao. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 30 năm qua. Đây là minh chứng rõ nhất về hiệu quả của các chính sách vì con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong hàng chục năm qua.
Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN |
Chỉ số phát triển con người (HDI) là một trong những chỉ tiêu tổng hợp, đo lường chất lượng phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, vùng lãnh thổ hay một địa phương do Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) khởi xướng từ năm 1990 và công bố thường xuyên.
Tăng gần 50% trong 30 năm qua
Phát triển con người là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua và điều này đã đem lại những kết quả tích cực. Theo Báo cáo của UNDP, chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục được cải thiện; tăng gần 50% từ 0,493 (năm 1990) lên 0,726 (năm 2022). Vào những năm 1990 khi UNDP bắt đầu giới thiệu HDI, Việt Nam ở vị trí cuối bảng xếp hạng nhưng đã vươn lên đứng ở nửa trên trong bảng xếp hạng sau khi liên tục đạt được những tiến bộ trong 30 năm qua. Xếp hạng lần này của Việt Nam (dựa vào số liệu năm 2022) là 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo UNDP, tThứ hạng của Việt Nam đã tăng lên do nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong thời kỳ đại dịch. Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao vào năm 2022 và điều này đã nâng thứ hạng trong phát triển con người. Các chỉ số khác liên quan đến trình độ học vấn và tuổi thọ cũng tiếp tục được cải thiện, đặc biệt trong tỷ lệ nhập học ở bậc trung học và các chỉ số y tế.
Đánh giá về các tiến bộ của Việt Nam, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis, cho biết: "Các tiến bộ của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, cải thiện các chỉ số xã hội thực sự rất đáng khen ngợi. Việt Nam đã đạt các tiến bộ quan trọng trong việc phát triển con người. Kể từ năm 2019 thì Việt Nam đã được công nhận như một quốc gia có chỉ số phát triển con người (HDI) cao. Chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh, từ tỷ lệ 9% năm 2016 xuống tỷ lệ 3,6% vào năm 2022. Đây là một sự cải thiện hết sức ấn tượng, bởi nó đồng nghĩa với việc: người dân sống lâu hơn, khoẻ hơn, với tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên 73,6 tuổi. Bảo hiểm y tế bao phủ 92% dân số. Vào năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam giảm xuống 2,32%, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đã đặt ra."
Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển đất nước
Trong quan điểm lãnh đạo, Đảng cộng sản Việt Nam luôn chú trọng vai trò của nhân tố con người trong sự phát triển.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: "Phương hướng lớn của chính sách xã hội là: Phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội".
Trong công cuộc Đổi mới, Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ. Mọi chủ trương, chính sách phát triển đều xuất phát từ con người, lấy con người là trung tâm.
Văn kiện Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam. Ảnh: un.org |
Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis, cho rằng: "Việt Nam đã cam kết đầu tư vào các lĩnh vực, như: mô hình tăng trưởng đổi mới sáng tạo; không bỏ ai lại phía sau (bằng cách bảo đảm việc tiếp cận với việc làm, an sinh xã hội, y tế, giáo dục, văn hoá); chuyển đổi năng lượng công bằng; bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên; chuyển đổi số và hệ thống lương thực. UNDP sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững."
Phát triển con người luôn là trọng tâm trong chính sách phát triển của Việt Nam. Những thành quả về phát triển con người được quốc tế công nhận chính là minh chứng rõ nhất về hiệu quả từ các chính sách vì con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam