(VOV5) - Các nghề truyền thống ở tỉnh miền núi Yên Bái đã tồn tại bao đời nay và là một phần của văn hoá dân tộc.
Tỉnh Yên Bái hiện có 15 làng nghề và nghề truyền thống tập trung vào 4 lĩnh vực: chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây, tre đan, gốm sứ, dệt may, cơ khí. Các làng nghề đã tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần đưa hơn 70% số xã ở Yên Bái về đích nông thôn mới.
Người dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái thu hái chè Bát Tiên. Ảnh: TTXVN |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tỉnh Yên Bái có hơn 30 dân tộc cùng sinh sống. Tùy vào từng vùng, từng phong tục, tập quán, mỗi dân tộc đã hình thành những nghề truyến thống, chứa đựng giá trị văn hóa - đời sống trong từng sản phẩm.
Hơn 10 năm đưa cây chè Bát Tiên giống mới vào trồng với rất nhiều kỳ vọng, gia đình ông Vũ Ngọc Tề ở thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên giờ đây đang gặt hái thành quả lớn. Từ 2 sào chè Bát Tiên được trồng đầu tiên, đến nay gia đình ông đã nhân rộng lên tới gần 1ha, mỗi năm doanh thu trên 200 triệu đồng, cao hơn bất kỳ loại cây nông nghiệp nào đang được trồng ở địa phương. Ông Vũ Ngọc Tề, một trong những người gắn bó với cây chè gần 50 năm nay, chia sẻ để có được sản phẩm chè ngon thì luôn phải chú trọng từ khâu chăm sóc, chế biến đến việc thu hái chè:“Khi chuẩn bị hái phải bố trí nhân lực từ hôm trước, ngoài người của gia đình mình thì phải nhờ cả người xung quanh để hái theo kiểu đổi công, tức là hôm nay tập trung hái nhà này và mai là nhà khác. Và phải hái từ sáng sớm, nắng lên là chất lượng chè kém. Buổi chiều chỉ tập trung cho chế biến thôi”.
Trên toàn xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, những nương chè Bát Tiên xanh ngút tầm mắt, trải dài trên những sườn đồi. Cả xã có trên 300 hộ dân sản xuất chè với diện tích hơn 100ha, đều là chè giống mới và chủ yếu là chè Bát Tiên chất lượng cao. Những người nông dân ở đây đã tạo ra những sản phẩm chè xanh OCOP chất lượng (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm), có thương hiệu, không chỉ bán trong nước mà còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu.
Phát triển nghề làm tranh đá quý. Ảnh: VOV |
Trong khi đó, xã Giới Phiên được biết đến là làng nghề nông thôn đầu tiên của thành phố Yên Bái với truyền thống trồng và chế biến miến đao. Làng nghề hiện có 68 hộ sản xuất, kinh doanh miến và mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 400 - 450 tấn sản phẩm, mang lại nguồn thu gần 30 tỷ đồng (gần 1,3 triệu USD), góp phần tạo việc làm tại chỗ, tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Nhờ có sản xuất miến đao mà nhiều gia đình trở nên khá giả có thu nhập 50 - 70 triệu đồng/năm (2100 – 2900 USD). Bà Phạm Thị Thu Hà, thành viên hợp tác xã miến đao Giới Phiên, cho biết: “Làng nghề miến Giới Phiên đã có từ rất lâu đời rồi. Ngày xưa các cụ tận dụng đất ven sông Hồng để trồng dong riềng phục vụ chăn nuôi, sau đó các cụ đã nghĩ ra làm miến, nhưng ban đầu chỉ sản xuất thủ công, sau đó chúng tôi phát triển thành làng nghề, đến năm 2013 thì đã được công nhận làng nghề. Số cơ sở sản xuất giảm xuống nhưng sản lượng tăng lên và quy mô lớn hơn”.
Tỉnh Yên Bái còn nổi tiếng với các loại đá quý như: Ruby, Sapphire, Spinel, đá hoa trắng… Cũng từ những lợi thế này, hàng chục năm qua, ngươi dân huyện Lục Yên đã bắt đầu chế tác, điêu khắc, đính ghép đá thành các sản phẩm lưu niệm, trưng bày. Hiện ở Lục Yên có các làng nghề chế tác, điêu khắc đá, làm tranh đá quý với hàng chục mặt hàng, sản phẩm tại thị trấn Yên Thế và các xã Yên Thắng, Liễu Đô, Minh Tiến, Tân Lĩnh, Vĩnh Lạc…với giá trị từ vài chục triệu, trăm triệu và có khi cả tỷ đồng mỗi một sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Lý Vân, một trong những thợ làm tranh đá quý có nhiều kinh nghiệm, cho biết: “Muốn làm được bức tranh hoàn thiện thì phải qua 3 khâu gồm tìm chọn đá, định hình và nhỏ keo hoàn thành. Việc này rất tỉ mỉ, ai hay vội vàng thì không thể làm nổi. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi người làm phải có tư duy, nếu người nào mà sáng tạo, có nghệ thuật thì sẽ tạo ra bức tranh đẹp hơn”.
Các nghề truyền thống ở tỉnh miền núi Yên Bái đã tồn tại bao đời nay và là một phần của văn hoá dân tộc. Cúng chính các nghề truyền thống này đang góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương. Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: “Giá trị nhất của các làng nghề hiện nay đó chính là phát huy được giá trị truyền thống và tiềm năng của sản phẩm tại địa phương, đó chính là từ các sản phẩm làng nghề này tạo ra các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó gắn kết được làng nghề với kinh tế du lịch, gắn kết làng nghề với hoạt động văn hóa truyền thống để xây dựng chất lượng cuộc sống về vật chất và tinh thần ở khu vực nông thôn”.
Các làng nghề ở Yên Bái đang chuyển mình để hội nhập, tạo ra sản phẩm kế thừa tinh hoa, kinh nghiệm truyền thống, vừa mang hơi thở, phong cách hiện đại, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây cũng chính là cách để các làng nghề ở Yên Bái phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.